Công nghiệp cơ khí: Chuyển mình, nhưng chưa đủ lớn
Cập nhật ngày 17/1/2009“Chúng ta chưa có đầy đủ các phương tiện để kiểm định các sản phẩm cơ khí đạt chuẩn. Điều đang báo động hiện nay là rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong KCX-KCN sử dụng công nghệ máy móc đã qua sử dụng, thậm chí là hàng phế thải của các nước. Vì thế hiệu quả kinh tế không cao, mà tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tuy thế, chúng ta còn thiếu các DN chế tạo máy và máy chính xác, chế tạo phụ tùng, máy móc cho các ngành dệt - may, da - giày. Thiếu những nhà máy hiện đại, chủ lực để làm trung tâm cho việc chuyên môn hóa, hiện đại hóa” - ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban KCX-KCN TPHCM cho biết.
Mặc dù nhiều DN sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, nhưng họ lại… không muốn thay thế!. Mà không chỉ riêng gì các DN sản xuất sản phẩm có nhiều nhân công mới vậy. Việc không muốn đổi mới công nghệ còn diễn ra ở cả các DN công nghệ cao!
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận, nhiều DN trong ngành cơ khí chính xác trên địa bàn TPHCM chưa mặn mà trong việc đầu tư công nghệ cao, đội ngũ công nhân có trình độ kỹ thuật cao còn ít.
Các DN này lại thiếu liên kết với nhau, vì vậy việc thua thiệt trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa với các DN nước ngoài trong thời gian tới là tất yếu. Hiện nay, nhiều DN cơ khí cũng chỉ là gia công lắp ráp là chính, ít đầu tư vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo các loại khuôn mẫu có kỹ thuật cao. Các DN sản xuất như dệt may, giày da… không muốn đổi mới công nghệ là làm cho nhu cầu máy móc, thiết bị tại thị trường nội địa giảm xuống. Còn các DN cơ khí chậm đổi mới máy móc, thiết bị để có thể sản xuất sản phẩm tiên tiến hơn lại làm cho nguồn cung cấp thiết bị máy móc giảm xuống. Nói cách khác, việc phát triển ngành cơ khí của chúng ta ở mức độ sản xuất các máy móc, thiết bị ở dạng công nghệ công nghiệp, dây chuyền sản xuất… đang gặp trở ngại lớn từ cả bên cung và bên cầu.
Vẫn chủ yếu gia công...
Đối với việc phát triển ngành cơ khí nói chung, trở ngại lớn hiện nay là thiếu những đột phá trong nhiều khâu: từ việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo ra những sản phẩm, những dây chuyền mới phục vụ cho sản xuất trong DN, đến việc đầu tư những công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực mới… Thực trạng hiện nay đối với ngành cơ khí là dù chúng ta đã phát triển hơn nhiều so với trước đây, thì các DN sản xuất trong ngành cơ khí vẫn chủ yếu làm công việc… gia công hơn là sáng tạo.
Giải pháp nào giải quyết được bài toán sáng tạo và phát triển mạnh và bền vững cho các doanh nghiệp cơ khí? Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, hiện Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (NEPTECH) là một đơn vị đang hoạt động với mục đích hỗ trợ các đơn vị khác tăng cường năng lực sản xuất của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế chế tạo các máy móc, linh kiện, thiết bị cơ khí chính xác…
“Trung tâm này đã được đầu tư hệ thống máy gia công cơ khí trị giá hơn 1 triệu USD từ hai năm trước. Hiện NEPTECH có thể sản xuất được máy 5 trục, hỗ trợ hệ thống phần mềm tổng quát chuyên dụng nhằm phục vụ cho việc thiết kế ô tô tàu thủy, khuôn mẫu… Xây dựng cơ sở vật chất phần mềm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các phần mềm trong việc thiết kế chế tạo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đổi mới sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ cao”.
Được biết, NEPTECH từng sản xuất thành công các loại bét đốt trong các lò hơi chất lượng tốt hơn so với bét Trung Quốc, thời gian sử dụng ngang bằng với các bét châu Âu hiện nay; sản xuất và chuyển giao máy cuốn chả giò tại Công ty Cholimex đạt độ chính xác đến 0,1gram, giảm được 30 công nhân/máy…
Tuy nhiên, ngoài việc giới thiệu một điểm hỗ trợ, để phát triển hơn nữa việc sản xuất các sản phẩm cơ khí lớn, ông Phan Minh Tân cho rằng, các DN cần phải đầu tư mới, đầu tư chiều sâu thiết bị và công nghệ vào các khâu cơ bản, như đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp.
Sản xuất được thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Nâng cao năng lực thiết kế thiết bị toàn bộ, gắn kết có hiệu quả với công nghệ của từng ngành công nghiệp. Mặt khác, nghiên cứu thiết kế, chế tạo các mẫu hiện đại (ứng dụng công nghệ cao) và các thiết bị gia công đặc biệt. Đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa theo hướng điện tử - tin học hóa dàn máy công cụ hiện có trong các cơ sở công nghiệp.
“Để phát triển ngành cơ khí công nghệ cao thì phải có ngành khoa học công nghệ phát triển. Đó là sự kết hợp ứng dụng các công nghệ trọng điểm của thời đại công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ nano để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ. Hiện nay các sản phẩm cơ khí của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp và chỉ được đầu tư ở mức khiêm tốn” - ông Phan Minh Tân nói.
QUỐC HÙNG-Theo SGGP